Căn hộ chưa có sổ hồng, có được nhập hộ khẩu không?

Câu hỏi: Anh Đỗ Minh, cư dân tại một chung cư trên địa bàn quận Gò Vấp thắc mắc, tôi mua căn hộ trực tiếp từ chủ đầu tư và đến nay vào ở được 3 năm nhưng chưa được cấp sổ hồng, sang năm thì con trai vào lớp 1 nên muốn nhập hộ khẩu vào thành phố để cháu tiện học hành; không biết căn hộ chưa được cấp sổ hồng thì có được coi là chỗ ở hợp pháp để nhập hộ khẩu hay không.

Trường hợp khác, chị Trà Tiên do không đủ tiền mua nhà phố nên có ý định mua căn hộ tại quận 7 nhằm đảm bảo có nhà ở để đăng ký thường trú tại thành phố; tuy nhiên, chị lo lắng rằng nếu mua căn hộ mà lâu ra được sổ hồng thì có được nhập hộ khẩu hay không, do đó chị lưỡng lự chưa quyết định mua căn hộ.

Về vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh có một số chia sẻ pháp lý sau đây để mọi người nắm rõ:

Thứ nhất, để được đăng ký thường trú vào một địa phương nhất định phải tuân thủ quy định tại Luật Cư trú năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013), Luật Thủ đô năm 2012 (áp dụng đối với thành phố Hà Nội); kể từ ngày 01/7/2021, điều kiện đăng ký thường trú sẽ thực hiện theo Điều 20 Luật Cư trú năm 2020.

Thứ hai, điều kiện đầu tiên để được đăng ký thường trú là phải có chỗ ở hợp pháp. Căn cứ gạch đầu dòng thứ 5, đểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 31/2014/NĐ-CP thì hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán được coi là giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của công dân.

Do đó, trường hợp căn hộ chưa được cấp sổ hồng nhưng người mua có hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán thì được đăng ký thường trú.

Điều 6. Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp

1. Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú là một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

a) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của công dân là một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ;

- Giấy tờ về quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai (đã có nhà ở trên đất đó);

- Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật  về xây dựng (đối với trường hợp phải cấp giấy phép);

- Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

- Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;

- Giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã);

- Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình di dân theo kế hoạch của Nhà nước hoặc các đối tượng khác;

- Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;

- Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;

- Giấy tờ chứng minh về đăng ký tàu, thuyền, phương tiện khác thuộc quyền sở hữu và địa chỉ bến gốc của phương tiện sử dụng để ở. Trường hợp không có giấy đăng ký thì cần có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc có tàu, thuyền, phương tiện khác sử dụng để ở thuộc quyền sở hữu hoặc xác nhận việc mua bán, tặng cho, đổi, thừa kế tàu, thuyền, phương tiện khác và địa chỉ bến gốc của phương tiện đó.

b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cơ quan, tổ chức hoặc của cá nhân (trường hợp văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cá nhân phải được công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã). Đối với nhà ở, nhà khác tại thành phố trực thuộc trung ương phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý băng văn bản;

c) Giấy tờ của cơ quan, tổ chức, cơ sở tôn giáo về việc công dân có chỗ ở thuộc trường hợp quy định tại Điểm c, Điểm d Khoản 1 Điều 26 của Luật Cư trú;

d) Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức).

2. Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký tạm trú là một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

a) Một trong những giấy tờ, tài liệu quy định tại Khoản 1 Điều này, trừ trường hợp giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cá nhân thì văn bản đó không cần công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã;

b) Văn bản cam kết của công dân về việc có chỗ ở thuộc quyền sử dụng của mình và không có tranh chấp về quyền sử dụng nếu không có một trong các giấy tờ, tài liệu quy định tại Điểm a Khoản này.

3. Trong trường hợp các văn bản pháp luật về nhà ở có thay đổi thì Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể các giấy tờ, tài liệu khác chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú, tạm trú phù hợp với văn bản pháp luật đó.

Theo Cafeland.vn

 

Từ khóa can-ho-chung-cu,